Vốn đầu tư nước ngoài có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đó vừa là nguồn bổ sung vốn cho đầu tư, vừa là một cách để chuyển giao công nghệ, cũng là một giải pháp tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Tuy nhiên, để huy động và sử dụng nguồn vốn này hiệu quả trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay không hề dễ dàng.
Nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam được thể hiện dưới bốn hình thức chính: Đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII), tín dụng quốc tế (chủ yếu thu hút qua hình thức thu hút vốn ODA), nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.
-
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI)
Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn này, ngay từ năm 1987, Chính phủ đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó, việc thu hút nguồn vốn này đã đạt những thành tựu quan trọng.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2012, cả nước có 14.198 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là hơn 208,1 tỷ USD. Quá trình thu hút FDI có thể chia ra các giai đoạn sau:
– Giai đoạn 1988-1990, Luật Đầu tư nước ngoài vừa mới ra đời. Vì vậy, việc thu hút vốn FDI lúc này chưa tác động rõ rệt đến kinh tế – xã hội Việt Nam.
– Giai đoạn hai từ 1991-1997 là những năm diễn ra làn sóng FDI thứ nhất. Giai đoạn này đã thu hút được 2.130 dự án với vốn đăng ký là hơn 33,4 tỷ USD, vốn thực hiện 12,34 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt 3,115 tỷ USD, gấp gần 9,5 lần năm 1991.
– Giai đoạn 1998-2004, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, nên trong số 3.968 dự án mới trong giai đoạn này, phần lớn có quy mô nhỏ. Nếu năm 1998 có hơn 5 tỷ USD vốn đăng ký, thì sang năm 1999 đã giảm còn một nửa với 2,565 tỷ USD và hồi phục dần đến năm 2004 là 4,547 tỷ USD.
– Giai đoạn 2005-2009, bắt đầu một làn sóng FDI thứ hai vào Việt Nam. Đỉnh điểm là năm 2008 khi vốn đăng ký đạt hơn 71 tỷ USD.
– Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, tình hình thu hút có chiều hướng giảm xuống. Cụ thể, năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt mục tiêu thu hút khoảng 20-21 tỷ USD vốn FDI, nhưng kết quả là chỉ đạt 14,7 tỷ USD. Năm 2012, mặc dù đã giảm mục tiêu thu hút xuống còn 15-17 tỷ USD, nhưng tính đến hết tháng 11, Việt Nam mới thu hút được 12,181 tỷ USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, việc đạt mục tiêu này đang trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với Việt Nam.
-
Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII)
Các doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình cải cách và cổ phần hoá nhằm gia tăng năng lực và hiệu quả cạnh tranh khi gia nhập WTO. Cổ phần hoá phải đi đôi với việc hình thành các thị trường vốn, các kênh huy động vốn (hạt nhân là thị trường chứng khoán (TTCK)). Các mối quan hệ kinh tế gia tăng, dòng vốn lưu chuyển nhanh sẽ góp phần tạo ra các hiệu ứng tốt đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tham gia của các nhà đầu tư FII sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính, giúp cho thị trường tài chính minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn, xác lập giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu những giao động “phi thị trường”, góp phần vào giải quyết một cách cơ bản các mối quan hệ kinh tế (vốn, công nghệ, quản lý…).
Theo thống kê của ngân hàng HSBC, quý I/2012, có khoảng 500 triệu USD chảy vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, sang quý II, thị trường lại có những biến chuyển khác. Chỉ tính riêng trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay, dòng vốn FII đã âm hơn 4,9 triệu USD, trong khi đó, quý I/2012 khối này đã mua ròng gần 43 triệu USD. Sự suy giảm của dòng vốn FII cũng chính là lý do TTCK càng ngày càng ảm đạm trong những tháng qua.
-
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Đây là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, là hình thức tín dụng quốc tế nhằm hỗ trợ các nước cải thiện môi trường đầu tư hoặc cải thiện môi trường sống của quốc gia.
Lãi suất vay ODA thường thấp, bình quân từ 2-4%/năm so với lãi vay thương mại. Nguồn vốn ODA vào Việt Nam gia tăng đáng kể ở cả 3 giác độ: cam kết, ký kết và giải ngân. Trong đó, nguồn vốn dành cho nhà đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm 40% tổng vốn ODA đã góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế Việt Nam.
-
Nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm
Ngày 12/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Tiếp theo đó từ đầu tháng 06/2006, Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực đã tác động trực tiếp đến nguồn kiều hối, cụ thể là việc mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân. Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi nội tệ cũng có sự chênh lệch khá cao so với lãi suất ngoại tệ nên đã thúc đẩy kiều hối tăng. Ngoài ra, số lượng người đi xuất khẩu lao động tăng lên hàng năm. Trong 02 năm 2010-2011, bình quân lượng kiều hối gửi về Việt Nam theo đường chính thức thông qua hệ thống ngân hàng mỗi năm khoảng 9 tỷ USD; riêng năm 2012, mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam còn rất khó khăn, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn không giảm, dự kiến năm nay, kiều hối trên 10 tỷ USD.
Như vậy, nếu tính từ năm 2006 đến nay, thì tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam khoảng 55 tỷ USD. Đây là một lượng tiền rất lớn nằm trong dân cần khai thác, đưa vào phục vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhận thấy được hoạt động huy động vốn nước ngoài tại Việt Nam dựa vào dự báo diễn biến các dòng vốn trong những năm tới. Theo nghiên cứu của TS. Lương Văn Khôi và các cộng sự (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong nửa đầu năm 2012,dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)toàn cầu đạt 668 tỷ USD, giảm 8% (tương đương 61 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2011 do tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu đi xuống trong quý II/2012. Mức sụt giảm 61 tỷ USD này chủ yếu do dòng vốn FDI vào Mỹ giảm 37 tỷ USD và FDI vào các nước BRIC giảm 23 tỷ USD. Tổ chức UNCTAD (7/2012) dự báo dòng vốn FDI 2012 đạt mức khoảng 1.600 tỷ USD, cao hơn 1 chút so với mức 1.524 tỷ năm 2011.
Dòng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) toàn cầu của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển, theo báo cáo của OECD (tháng 4/2012) đã giảm gần 2,7% trong năm 2011. Khó khăn tài chính tại một số quốc gia thuộc DAC ảnh hưởng đến ngân sách dành cho ODA. Khảo sát của OECD về kế hoạch chi tiêu của các nước tài trợ trong giai đoạn 2012-2015 cho thấy,dòng vốn ODA toàn cầu có thể tăng 6% trong năm 2012, chủ yếu do tăng các khoản cho vay ưu đãi từ các tổ chức đa phương từ nguồn bổ sung vốn cho giai đoạn 2009-2011.Tuy nhiên, từ năm 2013, khi tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế lên dòng vốn viện trợ hiện hữu đầy đủ, dòng vốn ODA toàn cầu sẽ trì trệ hơn.
Dòng vốn kiều hối vào các nước đang phát triển ước tính đạt 372 tỷ USD trong năm 2011, tăng 12,1% so với năm 2010 và dự báo sẽ tăng lên 399 tỷ USD vào năm 2012 (WB, 4/2012). Dòng vốn kiều hối toàn cầu, bao gồm cả dòng vốn vào các nước thu nhập cao tăng từ 453 tỷ USD trong năm 2010 lên 501 tỷ USD năm 2011 và dự báo tăng lên 533 tỷ USD năm 2012. So với các dòng vốn khác, dòng vốn kiều hối ổn định trong suốt thời kỳ khủng hoảng.
Trong điều kiện thị trường vốn của Việt Nam đang gặp khó khăn như hiện nay, việc phần lớn các dòng vốn quốc tế tiếp tục xu hướng hồi phục, mặc dù với tốc độ chậm hơn do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu, sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2012 cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được hết những lợi thế này. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn đầu tư cũng đang diễn ra quyết liệt giữa Việt Nam với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước khu vực Đông và Nam Âu, khu vực Đông Nam Á với hoàn cảnh tương tự, nhưng có một số mặt lợi thế hơn Việt Nam.
Nguyên nhân của thực trạng này được xem từ sự yếu kém nội tại của các thành viên tham gia thị trường (ngân hàng, công ty chứng khoán, DN…), từ thể chế thị trường trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, vai trò của các cơ quan quản lý có liên quan đến quá trình giám sát, cũng như việc tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, các công cụ và phương tiện thanh tra, giám sát. Thực tiễn cho thấy kỷ luật thị trường cũng chưa đủ chặt chẽ để điều chỉnh, giám sát, đảm bảo thị trường vốn phát triển ổn định và hiệu quả.
Có thể khẳng định rằng, công tác huy động vốn nước ngoài tại Việt Nam đang dần hoàn thiện và đã bao trùm được tất cả các khía cạnh liên quan đến hoạt động kinh tế. Trong hơn 20 năm qua, hoạt động này đã không ngừng được tăng cường để phù hợp với sự biến đổi của dòng vốn. Đặc biệt là từ khi Việt Nam chuẩn bị các thủ tục gia nhập WTO và trở thành thành viên của tổ chức này, hoạt động quản lý vốn vay từ nước ngoài đã có những bước thay đổi tích cực theo hướng hài hòa hóa với các thông lệ quốc tế và tiến tới đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung, công tác huy động vốn tại Việt Nam đã đạt được nhiều mục tiêu quản lý. Trước hết hoạt động này đã tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng với hành lang pháp lý khá đầy đủ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiến hành đầu tư thuận lợi và hiệu quả. Quan trọng hơn, hoạt động này đã góp phần tích cực vào cải thiện chất lượng phát triển, khai thác tốt tiềm năng về lao động và tài nguyên của Việt Nam, nâng cao xuất khẩu, tăng thu nhập và cải thiện tích lũy cho Việt Nam.
Tuy nhiên, do còn bị ảnh hưởng bởi cơ chế quản lý cũ cộng với sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của một nhà nước mới mở cửa nền kinh tế, hoạt động quản lý vốnở Việt Nam vẫn chưa giúp nguồn vốn vay nước ngoài tạo ra các ngoại ứng tích cực mạnh mẽ, cũng như chưa loại bỏ được hết các ngoại ứng tiêu cực của dòng vốn này. Trong thời gian tới, nền kinh tế cần phải tập trung triển khai những biện pháp kinh tế – xã hội đồng bộ hơn nữa để dòng vốn vay nước ngoài có thể thực sự hỗ trợ một cách hiệu quả cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.