Câu hỏi thường gặp
Hệ đào tạo Quốc tế của Học viện Tài chính là gì?
Đây là chương trình của Học viện Tài chính (HVTC) liên kết đào tạo với Đại Học Toulon (Cộng hòa Pháp). Hệ đào tạo Quốc tế được Bộ GD&ĐT Việt Nam cấp phép từ năm 2010 đến nay đã đào tạo được 9 khóa ra trường và 3 khóa đang đào tạo. Năm 2022 Hệ đào tạo Quốc tế tuyển sinh 200 chỉ tiêu cho Khóa 12 của chương trình này.
Hệ đào tạo Quốc tế của Học viện Tài chính có lợi thế gì hơn so với Hệ đại trà?
- Thời gian học tập được rút gọn 1 năm so với học hệ đại trà vì thời gian học đại học của Pháp cũng như hầu hết các nước Châu Âu là 3 năm (giảm các môn học giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, triết học ,….. tăng cường ngoại ngữ, tăng thời gian thực hành, đi thực tế tại các doanh nghiệp nhiều hơn).
- Khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ sau tốt nghiệp với chuẩn IELTS từ 5.5 trở lên và cơ hội nghề nghiệp cao.
- Hai năm đầu sinh viên học song song bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh, cùng với đó sẽ được học tăng cường gần 1000 giờ tiếng Anh để năm thứ 3 học 100% với giảng viên người nước ngoài.
- Với đầu ra trình độ ngoại ngữ tương đương B2 (khung Châu Âu) sinh viên đủ tự tin để ứng tuyển vào nhiều vị trí công việc và môi trường khác nhau.
- Sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp tục học cao học tại tất cả các trường Đại học, học viện trên cả nước và du học nước ngoài.
Hệ đào tạo Quốc tế của Học viện Tài chính có những chuyên ngành gì?
Chuyên ngành | Ngôn ngữ | Trường cấp bằng |
Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm | Tiếng Anh | Đại học Toulon |
Kế toán – Kiểm toán – kiểm soát | Tiếng Anh | Đại học Toulon |
Ai có thể đăng ký xét tuyển Hệ Cử nhân quốc tế?
Năm 2022 Hệ đào tạo Quốc tế của Học viện Tài chính áp dụng đa dạng các phương thức xét tuyển:
- (1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- (2) Xét tuyển dựa vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
- (3) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT.
- (4) Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022
- (5) Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Đăng ký xét tuyển Hệ Quốc tế có ảnh hưởng đến các nguyện vọng Hệ đại trà?
Hệ đào tạo Quốc tế xét tuyển độc lập với hệ đại trà trong nước. Do vậy thí sinh xét tuyển Hệ đào tạo Quốc tế không ảnh hưởng đến các nguyện vọng khác đã đăng ký. Có nghĩa thí sinh có thể nộp song song các nguyện vọng của Hệ đại trà và Hệ đào tạo Quốc tế của Học viện Tài chính. Nếu thí sinh trúng tuyển cả 2 hệ thì thí sinh có quyền lựa chọn nơi học. Do vậy sẽ tăng cơ hội trúng tuyển và học tập của thí sinh.
Đăng ký xét tuyển Hệ đào tạo Quốc tế bằng cách nào?
1. Hình thức đăng ký xét tuyển
1.1. Nộp trực tiếp tại văn phòng tuyển sinh (VPTS):
- Phòng 104B, Học viện Tài chính, số 19C ngõ Hàng Cháo, Phường Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.
- Nhà B7, Học viện Tài chính, 58 Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
1.2. Nộp trực tuyến tại website: https://bit.ly/xet-tuyen-2022
Nhà trường khuyến khích thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 và giảm thiểu lưu trữ hồ sơ giấy.
2. Hồ sơ bao gồm những gì?
Tuỳ vào mỗi phương thức xét tuyển, thí sinh sẽ cần nộp các loại giấy tờ khác nhau cho phương thức đó, dưới đây là danh sách giấy tờ bắt buộc cần có trong hồ sơ bao gồm:
- Phiếu đăng ký xét tuyển theo mẫu.
- Bản photo học bạ công chứng (nếu xét bằng kết quả học tập THPT).
- Lệ phí xét tuyển (LPXT): 560,000 VNĐ (nộp cùng hồ sơ)
Các loại giấy tờ thí sinh cần bổ sung theo phương thức tuyển sinh:
- Phương thức 1: Các loại giấy tờ ưu tiên hoặc giấy chứng nhận kết quả thi HSG.
- Phương thức 2: Bản photo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của thí sinh.
- Phương thức 3: Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh thi TN năm 2022) hoặc bản photo công chứng Bằng tốt nghiệp THPT (đối với thí sinh thi TN từ 2021 trở về trước)
- Phương thức 4: Bản photo công chứng Giấy báo điểm thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Phương thức 5: Giấy chứng nhận kết quả thi THPT năm 2022.
Lưu ý về cách nộp Lệ phí xét tuyển (LPXT):
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại VP tuyển sinh: Thí sinh nộp LPXT cho cán bộ tuyển sinh (CBTS) tiếp nhận hồ sơ và nhận biên lai thu tiền lệ phí từ CBTS.
- Nếu gửi hồ sơ trực tuyến: Thí sinh đăng ký xong sẽ có CBTS liên hệ qua điện thoại – email, thí sinh chuyển khoản LPXT theo hướng dẫn và nhận ảnh chụp biên lai thu tiền lệ phí từ CBTS.
Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển
- Nhận hồ sơ Đợt 1: Dự kiến từ ngày 25/03/2022 đến hết 10/06/2022.
- Nhận hồ sơ xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2022: Sẽ thông báo trên website
Mức học phí hàng năm và hàng kỳ
Mức học phí áp dụng từ năm học 2022 – 2023 như sau:
- Bảo hiểm – Ngân hàng – Tài chính: 5,7 triệu đồng/tháng (tương đương 171 triệu/khóa/3 năm học – đã bao gồm kinh phí đào tạo tiếng Anh)
- Kế toán – Kiểm soát – Kiểm toán: 6 triệu đồng/tháng (tương đương 180 triệu/khóa/3 năm học – đã bao gồm kinh phí đào tạo tiếng Anh)
Năm thứ nhất và thứ hai, sinh viên nộp học phí theo kỳ, mỗi năm gồm 2 học kỳ chính. Mức thu cụ thể được phân bổ theo từng kỳ. Năm thứ ba, sinh viên nộp học phí cả năm vào đầu năm học.
Ngoài học phí, sinh viên cần phải nộp 1 lần phí ghi danh khi vào năm thứ ba theo quy định của Bộ Giáo dục (Cộng hòa Pháp) tại thời điểm thu.
Sinh viên Hệ đào tạo Quốc tế đi thực tập như thế nào?
Sinh viên cần đi thực tập 2 đợt (khác biệt với Hệ đại trà chỉ đi thực tập 1 đợt), điều này giúp tăng khả năng hòa nhập thực tiễn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tế khi tốt nghiệp. Cụ thể:
– Đợt 1: Trong học kỳ 1, sinh viên xuống đơn vị thực tập 1 buổi/tuần theo từng nhóm (mỗi nhóm có khoảng 5 sinh viên) để tìm hiểu doanh nghiệp, chức năng, cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh dưới sự giám sát của giảng viên… Kết thúc kỳ 1, nhóm sinh viên viết 1 bài dự án và trình bày trước hội đồng.
– Đợt 2: Trong học kỳ 2, sinh viên đi thực tập cá nhân liên tục tại đơn vị thực tập. Trong giai đoạn này, cá nhân sinh viên tác nghiệp cụ thể theo sự hướng dẫn của giáo viên và cán bộ thực tế tại doanh nghiệp. Kết thúc kỳ 2, sinh viên viết báo cáo và trình bày trước hội đồng.
Nếu sinh viên không tìm được cơ quan thực tập thì nhà trường có hỗ trợ không?
Thông thường, sinh viên sẽ tự tìm doanh nghiệp thực tập. Trong trường hợp không có đơn vị thực tập thì nhà trường sẽ giới thiệu các cơ quan, doanh nghiệp có liên kết với trường để sinh viên đến đó thực tập và việc hỗ trợ này là hoàn toàn miễn phí.
Nhà trường có hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm không?
Sinh viên Hệ đào tạo Quốc tế nói riêng và sinh viên Học viện Tài chính nói chung đều được nhà trường hỗ trợ tìm kiếm việc làm thông qua tổ chức các hội chợ việc làm thường niên. Ngoài ra, các cơ quan tuyển dụng tìm kiếm sinh viên khi còn đang học cũng được Hệ đào tạo Quốc tế cập nhật thường xuyên trên website và hệ thống liên lạc riêng của dự án
Sinh viên Hệ Quốc tế có được tham gia các hoạt động ngoại khóa như Hệ đại trà?
Không những sinh viên Hệ đào tạo Quốc tế được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ của 1 đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh của Học viện Tài chính mà sinh viên còn được tham gia các hoạt động khác do Hệ đào tạo Quốc tế tổ chức như bóng đá, cầu lông, dạ hội thường niên, festival âm nhạc.… Các hoạt động này được cập nhật trên website, mục hoạt động Đoàn và hệ thống liên lạc riêng của Đoàn thanh niên.
Sau tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở đâu?
Sinh viên tốt nghiệp chương trình Cử nhân Bảo hiểm – Ngân hàng – Tài chính và Kế toán – Kiểm soát – Kiểm toán hiện đang làm việc tại đang làm việc tại các tổ chức chuyên nghiệp trong và ngoài nước về thương mại, công nghiệp, phi lợi nhuận, phi chính phủ, chính phủ quản lý hay các công ty khởi nghiệp. Có thể nắm giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực, bao gồm:
- Quản lý tài chính
- Chuyên viên phân tích tài chính
- Quản lý nguồn quỹ
- Chuyên viên ngân hàng
- Chuyên viên phân tích rủi ro
- Môi giới chứng khoán
- Nghiên cứu viên kinh tế
- Chuyên viên phát triển kinh doanh
- Chuyên viên phân tích hỗ trợ kinh doanh
- Kế toán viên, Kiểm toán viên
- Chuyên viên kiểm soát chi phí
- Chuyên viên tư vấn bảo hiểm